Sáng 14/11: Theo dõi chặt biến thể mới của COVID-19; Hơn 55% người mắc đái tháo đường tại Việt Nam đã có biến chứng

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ca COVID-19 mới liên tục giảm, trong 1 tuần không ghi nhận bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi các biến thể mới…; Hôm nay là “Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường” .

Ca COVID-19 mới liên tục giảm, trong 1 tuần không ghi nhận bệnh nhân tử vong

Bộ Y tế cho biết ngày 13/11 có 242 ca mắc COVID-19, đây là ngày có số ca mắc mới thấp nhất trong tuần. Ngày 13/11 cũng tròn 1 tuần không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong ở nước ta. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.508.689 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.304 ca nhiễm).

Ca COVID-19 mới trong tuần qua liên tục giảm

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.605.937 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 38 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 26 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca. Con số này giảm gần một nửa so với ngày 12/11 và cũng là ngày thứ 2 trong tháng 11 có số mắc mới thấp dưới 40 ca/ ngày.

Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm mùa, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ…; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Chỉ 35% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta được quản lý, điều trị

Hôm nay 14/11 là “Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường” hằng năm. Chủ đề của Ngày đái tháo đường Thế giới giai đoạn năm 2021-2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” với mục đích mang đến sự thay đổi cho hơn nửa tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.

Kết quả điều tra tại Việt Nam có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39.5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng.

Theo Báo Sức Khỏe & Đời Sống

 

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.